fbpx
Skip to main content

25+ mẹo tiết kiệm thời gian vào bếp cho người bận rộn

Với những mẹo tiết kiệm thời gian vào bếp dưới đây, việc nấu ăn của cả gia đình bạn sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Bạn có thể tận dụng tối đa từng giây, giảm bớt thời gian lãng phí để dành cho các công việc khác và không còn thấy “sợ” vào bếp nữa!

Xem thêm: Chế độ ăn uống lành mạnh là gì?

Nội dung

1. Lập kế hoạch nấu ăn – Quan trọng hơn bạn tưởng

Việc có 1 kế hoạch cụ thể cho việc ăn món gì mỗi ngày, mua sắm theo từng tuần sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức. Cụ thể, một kế hoạch nấu ăn chi tiết sẽ giúp bạn:

  • Tiết kiệm thời gian: Bởi kế hoạch theo tuần sẽ giúp bạn tạo trước được một danh sách thực phẩm cần mua, từ đó việc đi chợ sẽ hiệu quả và nhanh chóng hơn, hạn chế việc phải đi mua sắm nhiều lần.
  • Tiết kiệm tiền: Trong quá trình lên thực đơn cho mỗi bữa, bạn sẽ chủ động việc chọn kết hợp món ăn sao cho hạn chế tối đa thực phẩm thừa, giúp tiết kiệm một phần chi phí. Ngoài ra việc có danh sách thực phẩm cần mua khi đi chợ cũng sẽ giúp bạn hạn chế việc mua dư thừa, tốn tiền bạc.
  • Cải thiện chế độ ăn uống của bản thân và gia đình: Việc có kế hoạch trước giúp bạn có góc nhìn tổng quan hơn, từ đó dễ dàng chọn và kết hợp các món ăn để có thể cung cấp đầy đủ nhóm chất dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn.
Lên thực đơn theo tuần
Việc có thực đơn theo tuần giúp bạn mua sắm nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn

Dưới đây là một số mẹo mà bạn có thể áp dụng khi lập kế hoạch:

  • Dán thực đơn 1 tuần lên tủ lạnh để luôn nhớ và tuân theo đúng kế hoạch: Việc tuân theo kế hoạch giúp bạn nấu ăn khoa học, quy củ và tiết kiệm thời gian hơn.
  • Đừng ngại biến tấu công thức: Công thức nấu ăn chỉ là hướng dẫn, không phải là quy định để bạn phải nhất nhất tuân theo. Vì thế, nếu thiếu nguyên liệu, hãy biến tấu một chút với những thứ có sẵn trong tủ lạnh để không mất thời gian đi mua thêm.
  • Đầu tư một bộ dao tốt: Dao là vật dụng quan trọng, thường xuyên được sử dụng để chế biến món ăn trong nhà bếp. Vì thế, hãy sắm một bộ dao tốt để việc cắt, thái mọi thứ diễn ra nhanh hơn và thực phẩm cắt ra đẹp hơn.
  • Đầu tư các thiết bị nấu ăn phù hợp: Nồi nấu chậm, nồi chiên không dầu, máy nấu ăn Thermomix, lò nướng, máy xay… là những thiết bị sẽ giúp bạn nấu ăn nhanh, có thể hẹn giờ chính xác… để tiết kiệm thời gian nấu.
Máy Thermomix giúp bạn tiết kiệm thời gian làm bếp
Máy Thermomix có nhiều tầng giúp việc nấu ăn tiết kiệm thời gian hơn

2. Mẹo bố trí nhà bếp khoa học

Bên cạnh việc lập kế hoạch nấu ăn trước, bố trí nhà bếp khoa học là mẹo tiết kiệm thời gian vào bếp thông minh. Điều này thể hiện ở việc bố trí nhà bếp theo luồng công việc và sắp xếp dụng cụ nấu ăn khoa học.

2.1. Bố trí nhà bếp theo luồng công việc

Nguyên tắc bố trí nhà bếp theo luồng công việc thể hiện ở việc sắp xếp các khu vực nấu ăn theo một trình từ nhất định từ trái sang phải. Cụ thể như sau:

  • Khu vực 1: Chứa thực phẩm (tủ lạnh, ngăn để thực phẩm khô)
  • Khu vực 2: Chứa vật dụng (bát, đĩa, cốc, chén ly, đũa, thìa…)
  • Khu vực 3: Nơi rửa ráy (máy rửa chén, chậu rửa, dụng cụ vệ sinh)
  • Khu vực 4: Chỗ sơ chế thực phẩm (vật dụng nấu, các thiết bị điện, dao, kéo…).
  • Khu vực 5: Nơi nấu ăn (bếp nấu, máy nấu ăn Thermomix, lò vi sóng, máy hút mùi,…)

Việc bố trí nhà bếp theo luồng công việc sẽ giúp rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển, nấu ăn thuận tiện, nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Bố trí nhà bếp theo luồng công việc
Bố trí nhà bếp theo luồng công việc giúp người dùng di chuyển ít hơn, tiết kiệm thời gian hơn

2.2. Sắp xếp dụng cụ nấu bếp khoa học

Các đồ đạc cần được sắp xếp gọn gàng, khoa học tối giản và thuận tiện để tạo cảm giác thông thoáng, dễ lấy đồ đạc và tiết kiệm thời gian hơn. Ví dụ như:

  • Sắp xếp đồ dùng theo mức độ sử dụng: Những dụng cụ sử dụng nhiều thì để ở kệ thấp, còn những thứ sử dụng ít thì để xa, ở kệ cao.
  • Để những đồ đạc có liên quan gần nhau: Bố trí khu vực cất bát, đũa, cốc, dao, kéo… gần bồn rửa bát/ máy rửa bát để sau khi rửa xong có thể cất gọn.
  • Sử dụng đa dạng các dụng cụ lưu trữ thực phẩm: Bạn nên chọn đa dạng kích cỡ hộp đựng thực phẩm, túi nhựa, màng bọc thực phẩm phù hợp. Điều này sẽ tiện cho việc lưu trữ, tránh việc mở, đóng các hộp không vừa vặn quá nhiều.
Sắp xếp mọi thứ trong phòng bếp theo mức độ sử dụng
Sắp xếp mọi thứ trong phòng bếp theo mức độ sử dụng để lấy đồ thuận tiện hơn

3. Mẹo khi rã đông thực phẩm

Nếu muốn thực phẩm dùng được lâu, bạn cần để trong ngăn đông. Và trước khi nấu, bạn cần rã đông. Dưới đây là một số mẹo rã đông tiết kiệm thời gian nấu nướng

3.1. Cho thực phẩm vào ngăn mát tủ lạnh

Để thực phẩm vào hộp hoặc bát rồi chuyển xuống ngăn mát để rã đông dần. Cách này giúp cho thực phẩm không bị nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài. Vì thế, đây là cách rã đông phù hợp với thực phẩm chưa cần chế biến ngay.

3.2. Sử dụng nước lạnh

Cho thực phẩm vào túi kín rồi ngâm cho bát nước lạnh để rã đông mà không bị nhiễm khuẩn, mất đi chất dinh dưỡng. Để rã đông nhanh hơn thì 10 phút bạn nên thay nước một lần.

mẹo rã đông thực phẩm
Cho thịt vào túi kín rồi ngâm vào bát nước lạnh để rã đông

3.3. Dùng lò vi sóng khi cần chế biến ngay

Cho thực phẩm vào lò vi sóng 3 – 5 phút để rã đông. Cách này có thể làm những miếng thịt mỏng bị chín, ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. Vì thế, bạn chỉ nên áp dụng với các miếng thực phẩm dày và cần chế biến ngay sau khi rã đông.

3.4. Rã đông bằng muối và giấm

Giấm chứa axit axetic giúp hạ thấp điểm đóng băng của nước, còn muối là chất xúc tác cực tốt nên sẽ giúp rã đông nhanh và khử bớt vi khuẩn trên thực phẩm. Để rã đông bằng cách này, bạn chỉ cần cho thực phẩm vào bát nước lớn, thêm một chút muối và giấm vào bát.

4. Mẹo lưu trữ nguyên liệu, thực phẩm

Mẹo tiết kiệm thời gian vào bếp tiếp theo là cách bảo quản thực phẩm. Bạn hay mua nhiều nguyên liệu, thực phẩm để sử dụng nhiều lần nên cần lưu trữ. Hãy áp dụng các mẹo lưu trữ dưới đây:

4.1. Bảo quản xà lách lâu hơn bằng giấy khô

Rau xà lách, rau diếp thường rất nhanh hỏng dù bạn có bảo quản trong tủ lạnh. Để khắc phục điều này hãy dùng giấy khô quấn quanh xà lách để hạn chế rau bị hút ẩm, sau đó mới bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Cách này giúp hút ẩm cho lá rau và xà lách có thể tươi lâu từ 4 – 6 ngày.

mẹo bảo quản thực phẩm
Bảo quản xà lách bằng giấy khô để xà lách tươi trong 4 – 6 ngày

4.2. Thái hạt lựu rau củ và đông lạnh để tiện dùng

Thái hạt lựu rau củ, trái cây rồi cho đông lạnh để tiện dùng hơn. Những thực phẩm như cà rốt, hành, ngô, khoai… bạn hãy làm sạch, thái hạt lựu và lưu trữ trong ngăn đông của tủ lạnh. Khi nấu những món hầm, nấu canh, súp… bạn chỉ cần lấy thực phẩm ra và nấu ngay, tiết kiệm nhiều thời gian hơn.

mẹo lư trữ nguyên liệu
Thái hạt lựu thực phẩm giúp bạn nấu các món súp nhanh hơn

4.3. Ngăn khoai tây mọc mầm bằng táo

Để một trái táo vào cùng túi khoai tây sẽ giúp hạn chế việc khoai tây mọc mầm. Mùi hương và khí ethlylene sinh ra từ táo sẽ giúp khoai tây tươi lâu, giữ trọn vẹn chất dinh dưỡng và không bị hỏng hóc, mọc mầm trong vòng 4 – 5 tuần.

mẹo ngăn khoai tây mọc mầm, hư hỏng
Để táo vào chung với khoai tây sẽ giúp ngăn khoai tây mọc mầm, hư hỏng và tươi lâu hơn

4.4. Giữ chuối tươi lâu hơn

Tách từng quả chuối ra rồi lấy màng bọc thực phẩm bọc phần cuống. Nhờ đó, khí ethylene không bị thoát ra khỏi quả nên chuối không chín quá nhanh và tươi lâu hơn.

4.5. Tăng tốc độ chín của hoa quả

Nếu muốn hoa quả như na, dưa, chuối… chín nhanh hơn, bạn hãy cho hoa quả vào một cái túi giấy và buộc miệng túi hơi lỏng. Khí ethylene có sẵn trong hoa quả sẽ làm thúc đẩy việc chín nhanh hơn.

mẹo làm chín hoa quả
Sử dụng túi giấy để làm chín hoa quả nhanh hơn

5. Mẹo khi sơ chế nguyên liệu

Sơ chế nguyên liệu nhanh sẽ giúp bạn giảm bớt thời gian nấu nướng. Dưới đây là một số mẹo sơ chế:

5.1. Bóc tỏi nhanh

Để bóc tỏi nhanh hơn bạn có thể áp dụng một số mẹo sau:

  • Bạn có thể lấy dao đập từng tép tỏi, lớp vỏ sẽ tách ra dễ dàng.
  • Bạn có thể để tỏi vào lò vi sóng khoảng 15 giây. Hơi nóng của lò vi sóng sẽ làm vỏ tỏi khô và dễ dàng bung ra hơn.
  • Lột tỏi nhanh bằng cách “lắc”: Bạn hãy cho tỏi vào lọ rỗng sau đó lắc mạnh trong 15 – 20 giây. Động tác này sẽ giúp vỏ tỏi trở nên lỏng hơn và bạn sẽ dễ dàng bóc.
Mẹo bóc tỏi nhanh tiết kiệm thời gian vào bếp
Mẹo bóc tỏi nhanh tiết kiệm thời gian nấu nướng

5.2. Gọt gừng nhanh hơn bằng thìa

Vỏ gừng thường rất mỏng nên nhiều khi dùng dao gọt khó sạch hoặc lạm vào bên trong nhiều. Để khắc phục điều này, bạn hãy dùng thìa cạo sạch vỏ.

5.3. Thái thịt, cá, bóc tôm dễ hơn bằng cách đặt trong ngăn đông tủ lạnh

Để thịt, cá, tôm trong ngăn đông khoảng 30 phút rồi lấy ra thái/bóc. Lúc này, thịt/cá/tôm đã cứng hơn một chút nên rất dễ cắt miếng, thái mỏng hoặc bóc vỏ hơn.

mẹo làm cá
Để cá vào ngăn đông tủ lạnh 30 rồi đem ra cắt khúc sẽ dễ dàng hơn

5.4. Cách để thực phẩm có nhiệt độ phòng

Có nhiều công thức nấu ăn yêu cầu bạn cần chuẩn bị thực phẩm có nhiệt độ phòng. Lúc này bạn chỉ cần cho nguyên liệu vào một chiếc túi đóng kín rồi ngâm vào bát nước là sẽ đảm bảo có nhiệt độ phòng.

6. Mẹo nấu nướng giúp giảm thời gian lãng phí

Khi nấu nướng, bạn cũng có thể áp dụng các mẹo tiết kiệm thời gian vào bếp dưới đây để “cứu nguy” trong những tình huống “dở khóc dở cười”:

6.1. Loại bỏ mỡ bằng đá

Để loại bỏ bớt mỡ ở những món canh bạn hãy chuẩn bị một muôi đầy đá, sau đó đưa lướt nhẹ muôi trên bề mặt bát canh. Phần mỡ sẽ đông lại và bám vào dưới muôi.

mẹo loại bỏ mỡ bằng đá


6.2. Ngăn bọt khí bằng thìa gỗ

Khi hầm xương, bọt khí thường xuất hiện làm bạn phải mất nhiều thời gian cho việc vớt bọt để nước dùng trong hơn. Hãy để mọi việc đơn giản hơn bằng cách cho một muỗng gỗ ngang qua giữa vùng nồi khi nước đang sôi, bọt khí sẽ được giảm bớt, hạn chế tình trạng bị tràn.

6.3. Cách bóc trứng luộc nhanh hơn

Sau khi luộc xong, bạn hãy cho trứng vào bát nước lạnh ngâm khoảng 10 phút. Nước lạnh sẽ làm ruột trứng co lại, nhanh róc vỏ khi bóc hơn. Hoặc nhỏ vài giọt giấm vào nồi luộc trứng khi nước đang sôi cũng sẽ giúp việc bóc vỏ sẽ dễ hơn.

6.4. Giảm mặn bằng khoai tây

Khi gặp tình trạng món ăn quá mặn, bạn có thể khắc phục bằng cách sử dụng khoai tây. Bạn hãy gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt lát khoai tây sau đó, cho vào món ăn và đun 15 phút. Khoai tây sẽ hút bớt vị mặn của các món canh, kho, xào…

6.5. Xử lý cơm bị khê, có mùi bằng bánh mì

Nếu cơm bị khê và ám mùi, bạn có thể xử lý bằng cách cho một miếng bánh mì vào nồi, đậy vung lại khoảng 5 phút. Bánh mì sẽ hút bớt mùi khê cháy của cơm.

mẹo khử mùi khê của cơm
Cho một vài lát bánh mì để hút và khử mùi khê của cơm

6.6. Để bắp rang bơ không bị hạt sống

Nếu bạn làm bắp rang bơ tại nhà nhưng gặp tình trạng hạt sống không thành bắp rang. Hãy thử ngay cách ngâm hạt ngô trước với nước nước ấm trong 1 – 2 tiếng. Sau đó để khô rồi mới tiến hành làm bắp rang bơ.

6.7. Xử lý khi nước sốt quá lỏng

Nếu gặp tình trạng nước sốt quá lỏng, hãy khắc phục bằng cách cho một ít tinh bột ngô hoặc tinh bột khoai tây, bột củ rong, bột gạo, bột sắn vào nước sốt rồi đun lên. Các loại tinh bột này sẽ nở ra hòa cùng nước sốt làm cho nước sốt đặc hơn.

7. Đừng quên mẹo dọn dẹp sau khi nấu

Bên cạnh việc nấu ăn, dọn dẹp cũng là một khâu mà mọi người rất ngại khi vào bếp. Hãy xóa tan nỗi lo ấy bằng cách cho rác ngay vào thùng, dọn dẹp qua một vài thứ cần thiết khi bạn đang nấu ăn. Đồng thời, bạn có thể áp dụng các mẹo dưới đây để dọn dẹp nhanh hơn:

7.1. Rửa nồi, chảo nhiều dầu mỡ ngay khi nấu xong

Nồi, chảo sau khi nấu nếu không rửa ngay có thể làm cho dầu mỡ đóng lại, khó rửa sạch hơn. Vì thế, bạn hãy rửa ngay khi vừa nấu xong. Nếu chẳng may quên, bạn có thể dùng nước nóng tráng qua cho dầu mỡ tan ra và rửa dễ dàng.

7.2. Khử mùi hôi lò vi sóng bằng khăn và nước rửa chén

Để khử mùi hôi cho lò vi sóng, hãy lấy một ít nước rửa chén cho vào khăn lau và quay trong vòng 2 phút. Tiếp theo, tắt lò vi sóng đi và để yên khăn trong khoảng 30 phút. Sau khoảng thời gian này, bạn có thể dùng chiếc khăn đó lau bên trong lò vi sóng. Sau khi lau, mùi hôi trong lò vi sóng sẽ biến mất.

mẹo khử mùi hôi lò vi sóng
Khử mùi hôi lò vi sóng bằng nước rửa chén

7.3. Làm sạch vỉ nướng bằng giấy bạc

Nếu bạn không có bàn chải, hãy lấy tờ giấy bạc lớn, vò lại và chà dọc theo thanh vỉ nướng. Mảng bám sẽ đi hết và lò nướng sạch sẽ ngay.

7.4. Sử dụng chanh, cam, bã cafe hoặc than hoạt tính để khử mùi cho bếp

Để khử mùi cho căn bếp một cách nhanh chóng, bạn có thể áp dụng một trong số những cách sau:

  • Dùng chanh, cam để khử mùi hôi cho bếp: Lấy một ít vỏ cam, chanh cho vào nồi nước và đun sôi khoảng 5 phút. Mùi tinh dầu cam, chanh tỏa ra sẽ giúp loại bỏ mùi hôi khó chịu và giúp nhà bếp thơm tho hơn.
  • Dùng bã cafe để khử mùi hôi cho bếp: Cho bã cà phê vào túi vải có dây rút hoặc túi thường rồi buộc dây lại. Sau đó, treo túi ở gần khu vực nấu ăn. Chẳng những mùi hôi được loại bỏ mà căn bếp còn thoang thoảng hương thơm của cà phê.
  • Dùng than hoạt tính để khử mùi hôi cho bếp: Cho than hoạt tính vào một túi nhỏ rồi buộc lại, treo ở góc bếp nay chỗ dễ gây mùi. Than hoạt tính sẽ thanh lọc không khí, khử bớt mùi hôi và đem lại không gian trong lành cho căn bếp.

Trên thực tế có rất nhiều mẹo tiết kiệm thời gian vào bếp nhưng chỉ cần áp dụng 25+ mẹo trên đây là việc vào bếp của bạn đã đơn giản, dễ dàng hơn rất nhiều rồi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.



Modern Cook® © 2020. All rights reserved.