fbpx
Skip to main content

thermox

Dinh dưỡng cân bằng

Dinh dưỡng cân bằng – một trong các yêu tố then chốt trong triết lý dinh dưỡng cho người trưởng thành bao gồm (dinh dưỡng cân bằng, lối sống năng động khỏe mạnh và phù hợp với từng cá nhân) đang được áp dụng rộng rãi toàn cầu.

Mỗi chúng ta là một cá thể độc lập và duy nhất. Không có một công thức hay một tháp dinh dưỡng chung nào có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Ai cũng biết là chúng ta nên có một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, tuy nhiên điều đó chính xác là như thế nào thì đôi khi chúng ta còn rất mơ hồ. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, chế độ dinh dưỡng cân bằng được điều chỉnh tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, cân nặng, tình trạng sức khỏe và hoạt động thể chất.

Đối với một người trưởng thành, tỷ lệ dinh dưỡng hợp lý sẽ là 40% chất bột đường (carbohydrate), 30% đạm (protein) và 30% chất béo (lipit). Tuy nhiên, với một người trẻ tuổi đang trong độ tuổi phát triển, sẽ cần bổ sung thêm nhiều hơn carbohydrate và lipit giúp phát triển não bộ và tăng sự tập trung cho việc học tập. Một người tập thể thao lại có yêu cầu cao hơn về lượng đạm nạp vào cơ thể, giúp phục hồi và tăng lượng cơ. Ở độ tuổi trung niên đang gặp các vấn đề về chuyển hóa (mỡ máu, mỡ gan, đường huyết…) ngoài việc hạn chế hấp thụ chất béo xấu, ít bột đường, việc bổ sung lượng chất béo tốt (không bão hòa) lại rất quan trọng theo nguyên lý đơn giản là lượng chất béo tốt được nạp vào cơ thể sẽ hỗ trợ quá trình đào thải và cân bằng chất béo xấu.

Trên thế giới hiện đang có rất nhiều các chế độ ăn khác nhau đang được áp dụng, từ ăn chay, ăn mặn, thực dưỡng, Địa Trung Hải, Low Carb, hay Keto… Lắng nghe cơ thể và lựa chọn một chế độ ăn phù hợp chính là bí quyết giúp chúng ta làm chủ được những gì chúng ta ăn vào và xây dựng một sức khỏe bền vững. Thật may dinh dưỡng cân bằng bản thân nó là một sự khoa học trong ăn uống, và việc áp dụng nó có những nguyên tắc cơ bản mà ai cũng có thể hiểu và áp dụng được.

Tìm hiểu thêm: Chế độ ăn uống lành mạnh khoa học là như thế nào?

Vai trò và tỷ lệ hợp lý các dưỡng chất cơ thể cần:

Bột đường (Carbohyrate) – 40%: bao gồm đường và tinh bột, là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, và chất xơ có vai trò thiết yếu cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh và duy trì mức cholesterol ổn định. Carbohydrate có loại tốt và loại xấu. Loại tốt là loại tự nhiên chưa tinh luyện như: gạo lứt, mỳ lứt, ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, một số loại rau củ (súp lơ xanh), trái cây (táo, cam quýt)… những thực phẩm có chứa sợi cellulose – một loại chất xơ không hòa tan có ích; và loại carb xấu như bột mỳ trắng, gạo trắng, siro, nước ép trái cây đóng hộp…

Đạm (Protein) -30%: là chất dinh dưỡng thiết yếu, giúp tái tạo và duy trì cơ bắp, hệ miễn dịch và cung cấp năng lượng. Các protein mà chúng ta ăn vào sẽ được phân giải thành các axit amin. Cơ thể người có 21 loại axit amin, trong đó có 9 loại axit amin thiết yếu nhưng cơ thể không tự tổng hợp được mà phaỉ bổ sung từ thức ăn. Nhu cầu protein mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh là từ 1-2g protein/1kg cân nặng. Nguồn cung cấp đạm là từ động vật (thịt, trứng,sữa, bơ) và thực vật (gạo lứt, ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu…).

Chất béo (Lipit) -30%: là nguồn dự trữ năng lượng chính, giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh và phát triển trí não. Ngoài ra chất béo còn giúp hấp thụ và chuyển hóa các vitamin tan trong chất béo. Có 3 loại chất béo: chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa và chất béo chuyển hóa. Chất béo tốt là chất béo chưa no (không bão hòa) có trong dầu thực vật, cá và các loại hạt. Chất béo chuyển hóa là chất béo rất xấu sinh ra thông qua quá trình xử lý nhiệt cao (mì, kẹo, bánh…), là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, ung thư và các rối loạn chuyển hóa mỡ…. Bên cạnh đó, chất béo còn giúp giữ làn da và móng khỏe mạnh.

Vitamin và khoáng chất: có vai trò đặc biệt trong việc sản sinh năng lượng, trao đổi chất và duy trì các hoạt động sống trong cơ thể. Có 13 loại vitamin và chia thành 2 nhóm: tan trong nước và tan trong mỡ. KHoáng chất cũng có 2 loại, cơ thể cần một số khoáng chất với lượng lớn hơn (đa lượng) như: canxi, magie, natri, kali và photpho; và rất nhỏ các khoáng chất vi lượng như đồng, kẽm và sắt. Sử dụng phương pháp nấu ăn phù hợp sẽ giảm thiểu việc thất thoát vitamin và khoáng chất trong quá trình chế biến.

Nước: 60%-75% trọng lượng cơ thể là nước, giúp hấp thụ dinh dưỡng giải phóng năng lượng, hỗ trợ đào thải độc tố, vận chuyển dinh dưỡng và oxy đến tế bào, duy trì chức năng hệ tiêu hóa, bài tiết và điều hòa thân nhiệt. Lượng nước cơ thể cần là 0,4 lít nước/10kg cân nặng/ngày. Nên uống nhiều lần/ngày, ban ngày nhiều hơn buổi tối và dưới dạng nước tinh khiết, trà thảo mộc.

Nhu cầu năng lượng (calo) của cơ thể:

Calo là một đơn vị năng lượng. Năng lượng được giải phóng nạp vào cơ thể khi ăn một thức ăn gì đó. Calo cần cho mọi hoạt động sống từ tế bào đến cơ thể (hoạt động cơ bắp, vận động nội tạng, chuyển hóa cơ thể, hoạt động trí não và quá trình sinh nhiệt). Mật độ năng lượng của một thực phẩm quyết định bởi tỷ lệ chất béo, carbohydrate, protein, chất xơ và nước.

Mỗi người cần một lượng calo nhất định (phụ thuộc vào tuổi, giới tính, cân nặng, mức độ hoạt động, tình trạng sức khỏe cũng như quá trình trao đổi chất). Nhu cầu năng lượng/ngày = năng lượng tối thiểu cơ thể tiêu hao trong điệu kiện nghỉ ngơi (năng lượng chuyển hóa cơ bản) + năng lượng cho hoạt động thể lực. Một người trưởng thành ở độ tuổi 31-50 sẽ có nhu cầu tiêu thụ 1500-2000 calo/ngày đối với nữ (cao 1m60, cân nặng 57kg); và 2000 -3000 calo/ngày đối với nam giới (cao 1m70, nặng 70kg).

Dinh dưỡng cân bằng còn bao gồm việc sử dụng đa dạng dinh dưỡng trong thực phẩm, sử dụng nhiều hơn các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, nguồn gốc từ địa phương. Giảm bớt các thực phẩm giàu calo nhưng ít giá trị dinh dưỡng. Hạn chế các chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường và muối.

Ngoài ra, việc hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể còn phụ thuộc vào các yếu tố nội tại bên trong mỗi cơ thể như: sự phát triển của các tế bào bất thường (gốc tự do), tình trạng viêm nhiễm, rối loạn tiêu hóa, căng thẳng thần kinh…Vì vậy, để có một cơ thể khỏe mạnh, bên cạnh các kiến thức về dinh dưỡng, chúng ta cần phải được trang bị cả những kiến thức về kiểm soát gốc tự do, giảm yếu tố nhiễm khuẩn, tăng cường miễn dịch/sức đề kháng và sức khỏe đường ruột.

Trên đây là những hiểu biết cơ bản của chúng tôi về chế độ dinh dưỡng cân bằng, giúp không chỉ kiểm soát cân nặng mà còn điều chỉnh cấu trúc cơ thể hợp lý, khỏe mạnh. Các thông tin chia sẻ nhằm mục đích giúp mọi người có cái nhìn tổng quát về ý nghĩa của hàm lượng dinh dưỡng và cách áp dụng nó trong các bữa ăn hàng ngày.

Hệ sinh thái công thức của Thermomix có cung cấp bảng tính Hàm lượng dinh dưỡng trên từng công thức, mọi người có thể tự tính và từng bước điều chỉnh tỷ lệ dinh dưỡng hợp lý phù hơp với nhu cầu của cơ thể và điều kiện của từng gia đình. Trong các phần chia sẻ tiếp theo, Thermomix Vietnam sẽ đề cập vào vấn đề ở các góc nhìn chi tiết hơn với các ví dụ minh họa, giúp quý khách có thể ứng dụng hiệu quả hơn trong việc lên thực đơn bữa ăn cân bằng dinh dưỡng hàng ngày.

Chúc quý khách cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc!

Nhiệt độ nấu sous-vide

Sous Vide là phương pháp làm chín thức ăn trong môi trường chân không, ở một nhiệt độ thấp thích hợp cũng là một cách lý tưởng để có được món ăn chuẩn vị.

Các chất lỏng bên ngoài không thể tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, đảm bảo rằng không cho hương vị và chất dinh dưỡng trong thực phẩm bị thoát ra ngoài. Mùi thơm của gia vị rất rõ ràng và đạt hiệu quả cao hơn. Độ tươi của thực phẩm được giữ lại trong quá trình nấu và quá trình oxy hóa không xảy ra.

Phương pháp này thường được các đầu bếp chuyên nghiệp và những nhà hàng ở Châu Âu áp dụng. Nhưng giờ đây khi sở hữu Thermomix, bạn có thể tự chế biến món ăn theo phương pháp này ngay tại nhà mà không cần phải tới nhà hàng.

Đọc ngay: Phương pháp nấu chân không thực phẩm

Dụng cụ để thực hiện kỹ thuật này bao gồm:

Máy hút chân không/thiết bị bơm tay, túi hút chân không/túi zip (Tất cả các túi chân không dành cho thực phẩm và hoàn toàn không chứa nhựa BPA, được FDA phê duyệt và có thể được tái sử dụng từ 5- 10 lần. Đơn giản chỉ cần làm sạch túi bằng giấm, xà phòng và nước ấm sau đó bạn có thể để khô hoàn toàn trước khi lưu trữ để sử dụng trong tương lai)

Cách nấu:

Thực phẩm được bỏ vào túi (dạng túi hút chân không, túi zip chất lượng cao) thêm gia vị dầu ăn tùy biến, sử dụng máy hút chân không/thiết bị bơm tay để hút toàn bộ không khí trong túi ra bên ngoài, zip miệng túi chặt. Lắp phới đánh bông, để túi sang hai bên, đổ nước ngập mặt túi. Đậy nắp bình trộn, đặt thời gian tùy theo nguyên liệu theo tham khảo dưới đây.

Ba chỉ lợn: 24-48 phút ở 82°C (miếng dày 2-3 cm)

Sườn lợn: 24-48 phút ở 59°C (miếng dày 2,5 cm)

Bò thăn: 60 phút ở 59°C (miếng dày 3 cm)

Sườn bò: 60-120 phút ở 59°C (miếng dày 2,5 cm)

Đùi bê: 12 giờ ở 75°C (miếng dày 3,8 cm)

Thăn/lưng cừu: 90 phút ở 60,5°C (miếng dày 4 cm)

Lườn gà/vịt: 60 phút ở 64°C (miếng dày 5 cm)

Đùi gà: 90 phút ở 66°C (dày 9 cm)

Gan vịt: 33-55 phút ở 65°C (miếng dày 5 cm)

Cá hồi: 20 phút ở 52°C (miếng dày 2,5 cm)

Cá tuyết: 20 phút ở 60°C (miếng dày 2,5 cm)

Tôm: 15-20 phút ở 65°C (miếng dày 2,5 cm)

Tôm hùm: 15-35 phút ở 63°C (dày 2,5 cm)

Sò điệp: 15-35 phút ở 63°C (miếng dày 2,5 cm)

Các loại củ còn nguyên: 45-90 phút ở 85°C (miếng dày 5 cm)

Các loại củ đã cắt: 20-30 phút ở 80°C (miếng dày 2,5 cm)

Hành tây/khô: 90 phút ở 85°C (miếng dày 5 cm)

Các loại ngô đã cắt: 30 phút ở 85°C (miếng dày 2,5 cm)

Lõi atiso: 25 phút ở 85°C (dày 3,8 cm)

Trứng nguyên vỏ chần mềm: 60 phút ở 63°C

Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn làm steak bằng phương pháp nấu chậm

Lưu ý: Sau khi sous vide, nếu thực phẩm chưa sử dụng ngay thì phải ngâm vào nước đá lạnh, hoặc bằng cách nào đó làm giảm nhiệt độ bên trong xuống mức dưới 3 độ C trong vòng 2 giờ. Nhớ ghi rõ ngày tháng lên túi để biết thời gian nấu và thời hạn sử dụng. Lưu trữ trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Khi cần sử dụng thì thả túi vào nồi nước nóng để cho toàn bộ sản phẩm đạt tới nhiệt độ thích hợp, rồi sau đó mở ra và thưởng thức. Toàn bộ quá trình từ đầu đến cuối nên được ghi chép tỉ mỉ để dễ dàng kiểm soát cũng như sử dụng sau này.

Chúc bạn có thêm nhiều trải nghiệm nấu ăn thú vị !

8 Thành phần thực phẩm gây viêm nhiễm

Trong thời tiết giao mùa chắc hẳn nhiều người trong chúng ta có cảm giác nhức mỏi khó chịu vì viêm khớp. Theo Hiệp hội Viêm khớp Hoa Kỳ, khi bắt đầu có những dấu hiệu viêm khớp cũng chính là khi cơ thể chúng ta đang ở trong tình trạng viêm nhiễm. Những gì bạn ăn hàng ngày không những có thể làm tăng độ viêm mà còn khiến bạn mắc các bệnh mãn tính khác như béo phì, bệnh tim và tiểu đường. Dưới đây là 8 thành phần thực phẩm được Hiệp hội Viêm khớp Hoa Kỳ cảnh báo là có thể dẫn tới những chứng viêm trong cơ thể. Chúng ta cùng tìm hiểu để có những lựa chọn phù hợp cho bữa ăn lành mạnh trong gia đình nhé.

Đọc ngay: Chế độ ăn uống lành mạnh là gì và làm cách nào để bắt đầu?

  1. Đường

Bạn hẳn khó mà cưỡng lại được trước các món tráng miệng, bánh ngọt, sô cô la, nước uống có ga, thậm chí là nước ép trái cây. Tuy nhiên, Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ cảnh báo rằng đường đã qua chế biến kích hoạt quá trình giải phóng các chất dẫn tới viêm nhiễm, còn được gọi là cytokine. Đường có rất nhiều tên gọi, vì vậy, hãy chú ý đến các từ nào kết thúc bằng “ose” trong tên khoa học, ví dụ. fructose hoặc sucrose trên các nhãn thành phần.

  1. Chất béo bão hòa

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất béo bão hòa dẫn tới viêm mỡ (mô mỡ), đây không chỉ là một dấu hiệu cho thấy nguy cơ bệnh tim mà cũng là một tác nhân dẫn tới việc tình trạng viêm khớp bị nặng thêm. Pizza và phô mai là nguồn chất béo bão hòa lớn nhất trong chế độ ăn uống trung bình của người Mỹ, theo Viện Ung thư Quốc gia. Thủ phạm khác bao gồm các sản phẩm thịt (đặc biệt là thịt đỏ), các sản phẩm từ sữa nguyên kem, các món mì ống và món tráng miệng làm từ ngũ cốc.

  1. Chất béo chuyển hóa

Các nhà nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard đã giúp gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất béo chuyển hóa vào đầu những năm 1990. Được biết tới như là nguyên nhân dẫn đến viêm hệ thống, chất béo chuyển hóa có thể được tìm thấy trong thức ăn nhanh và các sản phẩm chiên, thực phẩm ăn nhẹ chế biến, sản phẩm ăn sáng đông lạnh, bánh quy, bánh rán, bánh quy giòn và hầu hết các loại bơ thực vật. Hãy tránh thực phẩm có dầu hydro hóa trong nhãn thành phần.

  1. Axit béo Omega 6

Axit béo omega 6 là một axit béo thiết yếu mà cơ thể cần cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường. Cơ thể cần một sự cân bằng lành mạnh của axit béo omega-6 và omega-3. Tiêu thụ quá mức omega-6 có thể kích hoạt cơ thể sản xuất các hóa chất gây viêm. Những axit béo này được tìm thấy trong các loại dầu như dầu ngô, nghệ tây, hướng dương, hạt nho, đậu nành, đậu phộng, và rau; mayonaise; và nhiều loại sốt salad.

  1. Carbonhydrate tinh chế

Các sản phẩm bột trắng (bánh mì, bánh cuộn, bánh quy giòn) gạo trắng, khoai tây trắng (khoai tây nghiền ăn sẵn, hoặc khoai tây chiên) và nhiều loại ngũ cốc là carbohydrate tinh chế. Theo Science American, carbohydrate tinh chế có thể tạo ra chất béo dẫn tới béo phì và các bệnh mãn tính khác. Những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao này thúc đẩy sản xuất chất advanced glycation end (AGE) dẫn tới viêm nhiễm.

  1. Bột ngọt

Mono-sodium glutamate (MSG) là một phụ gia thực phẩm làm tăng hương vị thường thấy nhất trong ẩm thực châu Á, đặc biệt là trong xì dầu. Nhưng cũng được tìm thấy trong thức ăn nhanh, súp và bột súp, salad trộn và thịt nguội. Hóa chất này có thể kích hoạt cùng lúc hai cơ chế khác nhau để đều dẫn tới viêm mãn tính và các bệnh về gan.

  1. Gluten và Casein

Những người bị đau khớp và nhạy cảm với gluten nên tránh tiêu thụ chất hợp chất này. Gluten thường được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, casein, và trong các sản phẩm từ sữa. Những người được chẩn đoán mắc bệnh celiac cũng nên tránh gluten do hợp chất này tạo ra phản ứng tự miễn gây tổn thương ruột non và đôi khi gây đau khớp. Bệnh nhân mắc bệnh celiac sẽ thấy thoải mái và khoẻ hơn sau khi áp dụng chế độ ăn không có gluten. Trong nhiều trường hợp, một người có thể vừa bị viêm khớp, vừa bị nhạy cảm với gluten và cùng lúc mắc bệnh celiac.

  1. Aspartame và rượu

Bạn đang cố gắng để hạn chế tiêu thụ đường? Hãy tránh xa cả Aspartame nhé, đây là một chất làm ngọt nhân tạo với khả năng tạo ngọt mạnh nhưng lại không mang giá trị dinh dưỡng. Chất này được tìm thấy trong hơn 4.000 sản phẩm trên toàn thế giới. Mặc dù được FDA chấp thuận, các nghiên cứu về phản ứng của cơ thể với Aspartame chưa rõ ràng, đặc biệt là với những bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn. Nếu cơ thể bạn chưa quen với Aspartame, hệ thống miễn dịch sẽ tự tấn công chất này và dẫn tới viêm nhiễm.

Rượu là gánh nặng lớn cho lá gan của bạn. Tiêu thụ rượu quá mức làm suy yếu chức năng gan và phá vỡ các tương tác đa cơ quan trong cơ thể cũng như gây viêm. Nên loại bỏ rượu hoàn toàn hoặc tiêu thụ một cách điều độ.



Modern Cook® © 2020. All rights reserved.